Sâu răng khôn thường gây đau nhức và ê buốt răng nặng hơn so với răng ở những vị trí khác. Do không giữ vai trò quan trọng trong thẩm mỹ và hoạt động nhai, nghiền thức ăn nên sâu răng khôn thường được xử lý bằng cách nhổ bỏ. Tuy nhiên, nếu răng mọc thẳng và mức độ sâu không đáng kể, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bảo tồn.
Contents
Nguyên nhân sâu răng khôn là gì?
Đọc thêm về: người mọc răng khôn nên ăn gì và nên kiêng gì
Răng khôn hay là răng số 8, thường mọc trong độ tuổi trưởng thành từ 18 đến 25 tuổi. Tình trạng sâu răng khôn xảy ra khá phổ biến vì xuất phát từ lý do răng mọc sâu trong cùng nên gây khó khăn trong việc vệ sinh hàng ngày.
Bên cạnh đó, răng khôn còn nằm cạnh những chiếc răng cối có chức năng nhai quan trọng của hàm răng. Chính vì thế, thức ăn rất dễ bị bám dính và ứ đọng lại tại vị trí răng khôn gây ra sâu răng.
Việc vệ sinh răng khôn gặp nhiều khó khăn khiến cho những mảng bám thức ăn và vi khuẩn không được loại bỏ dần dần trở thành cao răng. Vi khuẩn tồn tại và phát triển trong mảng bám và cao răng chính là nguyên nhân gây ra sâu răng khôn. Vùng nướu lợi tại vị trí răng khôn cũng có nhiều nguy cơ bị viêm gây ra bệnh lợi trùm có cảm giác vướng víu khó chịu và đau âm ỉ.
Dấu hiệu nhận biết sâu răng khôn là gì?
- Hình thành lỗ trên mặt nhai hoặc thân răng khôn. Khi răng xuất hiện các chấm đen, nâu, xám lõm xuống trên bề mặt răng thì lúc đó răng khôn của bạn đã bị sâu. Với răng hàm dưới, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy nhưng với răng hàm trên thì khá khó quan sát.
- Răng khôn trở nên nhạy cảm với đồ ăn nóng hoặc lạnh hay ngay cả với thực phẩm có đường. Bạn cảm thấy ê buốt khi ăn những đồ ăn này.
- Đau nhức: đây là biểu hiện khi răng khôn đã sâu nặng và viêm tủy. Vi khuẩn tấn công tủy răng gây viêm, cảm giác đau sẽ tăng dần theo cơn hoặc đau liên tục dù không hề ăn nhai đến răng đó.
- Hơi thở có mùi: sâu răng khôn khiến thức ăn đọng lại ở lỗ sâu răng. Vi khuẩn tại đó hoạt động mạnh mẽ và hơi thở của bạn sẽ có mùi khó chịu.
Xử lý sâu răng khôn bằng cách nào?
Xem thêm: đau nhức răng uống thuốc gì
Tùy mức độ sâu răng khôn, chúng ta có các phương pháp xử lý như sau:
- Gel Fluor: Nếu ở giai đoạn đầu sâu răng thì men răng đang bị vi khuẩn tấn công. Lúc này, bác sĩ sẽ sử dụng Gel Fluor để tăng cường men răng cho bạn. Loại gel này sẽ giúp hạn chế sự tấn công của vi khuẩn lên bề mặt răng khi vừa chớm sâu và làm chậm quá trình suy khoáng men răng.
- Trám răng: Phương pháp này vô cùng phổ biến và được áp dụng cho cả các răng khác trên cung hàm khi bị sâu. Do mất một phần cấu trúc răng nên sâu đã hình thành lỗ trên bề mặt răng. Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ hàn trám lại răng khôn để bù đắp lại phần răng khôn bị tổn thương do sâu. Tổ chức sâu sẽ được loại bỏ trước khi trám.
- Điều trị lấy tủy: Đây là phương pháp giúp cứu sống các răng đang bị sâu viêm tủy và làm hết đau dựa trên việc loại bỏ tủy răng bị viêm chứa dây thần kinh cảm giác và mạch máu ở trong răng. Tuy nhiên ở vị trí trong góc hàm và cấu trúc ống tủy phức tạp nên việc điều trị tủy sâu răng khôn không được chỉ định phổ biến. Lý do là bởi điều trị lấy tủy răng khôn khó và bệnh nhân sẽ phải há miệng lớn, điều trị lâu và rủi ro cũng lớn.
- Nhổ răng: Đây là phương pháp chỉ định cuối cùng trong các bước xử lý răng khôn bị sâu. Do răng khôn không có nhiều chức năng ăn nhai như các răng hàm khác, lại khó điều trị nên khi bị sâu đau nghiêm trọng chỉ định nhổ bỏ răng khôn cũng khá phổ biến. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng để bảo vệ sức khỏe răng miệng, sức khỏe toàn thân cũng như chức năng cho các răng lân cận răng khôn đó.
Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp cho thắc mắc: Nguyên nhân sâu răng khôn là gì? Xử lý sâu răng khôn bằng cách nào? Sâu răng khôn có thể được điều trị bằng các biện pháp bảo tồn như sử dụng thuốc, trám răng, điều trị nội nha,… Tuy nhiên, trong trường hợp sâu nặng hoặc răng mọc lệch, ngầm thì giải pháp tối ưu là nhổ bỏ răng. Nếu không được xử lý sớm, sâu răng có thể tiến triển nặng và dẫn đến các biến chứng nặng nề như áp xe chân răng, viêm nha chu.